Số 1 Thái Hà, Quận Đống Đa, Hà Nội

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ NGHIỆN

Đăng bởi CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI WECARE vào lúc 29/02/2024

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ NGHIỆN

Người sử dụng chất gây nghiện/ma túy có hành vi sử dụng và mức độ lệ thuộc ma túy khác nhau vì vậy không một liệu pháp điều trị nào có hiệu quả cho tất cả mọi bệnh nhân. Mục tiêu của điều trị nghiện cần đảm bảo rằng dịch vụ điều trị được cung cấp cho đúng người, đúng thời điểm và đúng cách.

Việc xác định liệu pháp điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân đòi hỏi công việc lượng giá chính xác tình trạng bệnh nhân, nhu cầu bệnh nhân và kiến thức của bệnh nhân về các dịch vụ sẵn có. Điều này có nghĩa là dịch vụ đưa ra phải phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của bệnh nhân, trong đó bao gồm cả nguồn lực, nguồn hỗ trợ và giai đoạn chuyển đổi hành vi của bệnh nhân.

Nghiện là bệnh mạn tính tái phát, người nghiện cần một chu trình chăm sóc lâu dài, không phải chữa khỏi.

 

 

Dịch vụ điều trị phải sẵn có khi bệnh nhân cần đến và đã sẵn sàng cam kết tham gia, đã sẵn sàng thay đổi hành vi liên quan đến sử dụng chất. Tiến độ điều trị của người bệnh cũng cần được liên tục đánh giá xem xét trong quá trình điều trị. Duy trì điều trị đủ thời gian là điểm then chốt đảm bảo việc điều trị có hiệu quả.

Các mô hình điều trị nghiện bao gồm: điều trị có hỗ trợ bằng thuốc, liệu pháp tâm lí xã hội, mô hình kết hợp hai liệu pháp trên.

Một hình thức phổ biến ở Việt Nam từ hai thập kỷ nay là điều trị cắt cơn. Điều trị cắt cơn (thường thấy nhiều ở bệnh nhân nghiện heroin) thường được thực hiện tại nhà của người nghiện, tại cơ sở y tế tư hoặc tại các trung tâm cai nghiện tập trung của nhà nước. Cắt cơn thường được dùng với các thuốc hỗ trợ cắt cơn là các loại thuốc an thần kinh nhằm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cắt cơn. Song cần khẳng định điều trị cắt cơn chỉ là giai đoạn đầu của điều trị và nếu chỉ có điều trị cắt cơn đơn thuần thì không có hiệu quả gì đáng kể để giải quyết vấn đề sử dụng CGN lâu dài, vì phương pháp này chỉ giải quyết được về mặt thể chất, trong khi đó nghiện là một bệnh mãn tính của não bộ cần phải điều trị lâu dài và cần phải đi kèm với các hỗ trợ khác về tâm lý, xã hội hiệu quả. 

 

Các can thiệp về tâm lý và hành vi

1. Can thiệp ngắn

Can thiệp ngắn (Brief Intervention - BI) là môt kĩ thuật để khởi động sự thay đổi một hành vi không lành mạnh hoặc hành vi nguy cơ như hút thuốc lá, ít vận động, lạm dụng chất gây nghiện. Nó là một cách tiếp cận dự phòng thường được tiến hành bởi nhân viên y tế giúp đỡ cho người có hành vi nguy cơ có thông tin để tự mình chọn lựa và thay đổi hành vi cho chính mình.

Can thiệp ngắn thường dựa vào kĩ thuật phỏng vấn tạo động lực. Can thiệp ngắn được thiết kế để không những hỗ trợ điều trị mà còn khuyến khích bệnh nhân tự đến trung tâm điều trị nghiện để được đánh giá và điều trị.

 

2. Phỏng vấn tạo động lực

Phỏng vấn tạo động lực là một kỹ thuật trị liệu có thể áp dụng để hỗ trợ thay đổi đối với nhiều hành vi tiêu cực khác nhau và được xem như một hình thức tư vấn nhằm mục đích hỗ trợ các quyết định của bệnh nhân trong quá trình thay đổi những hành vi có hại, hướng tới việc trải nghiệm những hành vi mới có lợi và tích cực hơn.

Với ý nghĩa đó, phỏng vấn tạo động lực là một liệu pháp tâm lý có thể kết hợp trong quá trình tư vấn và hữu ích với những bệnh nhân có “dự định” thay đổi hành vi nhưng vẫn có thể còn mâu thuẫn trong tư tưởng. Mục tiêu cuối cùng của phỏng vấn tạo động lực là giúp con người tạo ra những thay đổi trong thái độ, suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Đây là một trong số những kỹ thuật có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng bệnh nhân khi họ tìm đến với tư vấn viên với nhiều vấn đề khó khăn khác nhau và đặc biệt khá hiệu quả trong lĩnh vực can thiệp trị liệu cho người nghiện.

 

3. Quản lý hành vi tích cực

Quản lý hành vi tích cực (Contingency Management - CM) hay còn gọi là Khuyến khích tạo động lực (Motivational Incentives) là một liệu pháp hành vi có đặc trưng là sử dụng các hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ đối với các hành vi mong muốn để khuyến khích khách hàng tuân thủ chương trình điều trị. Đôi khi các biện pháp kỷ luật hay trừng phạt cũng được áp dụng với những hành vi không mong muốn từ khách hàng. 

Trong điều trị nghiện Quản lý hành vi tích cực được áp dụng đề để khuyến khích khách hàng thực hiện các hành vi mong muốn, có ích cho việc điều trị và từ bỏ những hành vi không mong muốn, không có lợi cho chương trình điều trị.

Khi áp dụng Quản lý hành vi tích cực trong điều trị nghiện các biện pháp khen thưởng được áp dụng là chủ yếu để khuyến khích các hành vi mong muốn. Người nghiện tham gia chương trình sẽ có cơ hội được khen thưởng, khuyến khích khi thực hiện hành vi được kỳ vọng/mong muốn như tuân thủ điều trị, giữ sạch ma tuý. Hình thức khen thưởng, khuyến khích đa dạng, phong phú như: Phiếu tặng quà, giảm số lần thử nước tiểu bắt buộc, giảm số lần gặp báo cáo tiến bộ điều trị với bác sỹ, hoặc với cán bộ phụ trách công tác cai nghiện tại cộng đồng, v.v…

Mặc dù trừng phạt hay kỷ luật cũng có tác dụng giảm các hành vi không mong muốn, tuy nhiên các chương trình Quản lý hành vi tích cực hạn chế sử dụng biện pháp này trong điều trị nghiện ma tuý bởi trừng phạt sẽ làm hỏng mối quan hệ giữa người phạt và người bị phạt. Đây là điểm không tốt cho một môi trường trị liệu. Bên cạnh đó, trừng phạt và nỗi sợ bị trừng phạt sẽ khuyến khích việc thu mình, không cởi mở, che dấu… điều đó có tác động không tốt cho việc phục hồi.

 

4. Trị liệu nhận thức hành vi 

Liệu pháp nhận thức - hành vi (tiếng Anh viết là Cognitive Behavioural Therapy, dưới đây viết tắt là CBT) là một liệu pháp trị liệu có cấu trúc ngắn và dựa trên cơ sở mối quan hệ trị liệu giữ thân chủ (trong trường hợp của chúng ta là người nghiện ma túy) và tư vấn viên, tác động lên các ý nghĩ và hành vi với mục đích làm thay đổi các nhận thức của thân chủ nhằm thay đổi cảm xúc và hành vi của người đó theo chiều hướng tích cực.

CBT là biện pháp trị liệu tâm lý, dựa trên lý thuyết học tập xã hội, mọi điều chúng ta biết đều có thể có được từ học tập từ thực tế và trải nghiệm thực tế.

CBT nhấn mạnh đến sự tương tác giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mỗi cá nhân. 

CBT tập trung vào nâng cao năng lực của người nghiện ma túy để phục hồi, dự phòng tái nghiện, tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội,  dự phòng lây nhiễm HIV…

Trị liệu nhận thức hành vi cho rằng các cá nhân con người có niềm tin, giả thuyết và suy nghĩ tự động ảnh hưởng đến hành vi. Trị liệu nhận thức hành vi dựa trên quan niệm bệnh nhân có thể nhận biết và loại trừ các suy nghĩ, cảm xúc không phù hợp sẽ dẫn đến hành vi tiêu cực. 

Điểm mạnh và điểm yếu của trị liệu nhận thức hành vi bổ sung hài hòa với điểm yếu và điểm mạnh của quản lý hành vi tích cực. Trị liệu nhận thức hành vi có hiệu quả chậm (vì bệnh nhân cần thời gian để có thể học được các kĩ năng) nhưng hiệu quả lại bền vững hơn.

 

5. Chương trình điều trị ngoại trú lồng ghép theo mô hình Matrix  

Là phương pháp tiếp cận có cấu trúc để điều trị cho những người trưởng thành lạm dụng hoặc lệ thuộc vào các chất gây nghiện thông qua việc kết hợp các yếu tố ngăn chặn sự tái nghiện, nhận thức hành vi, giáo dục tâm lý và tiếp cận gia đình. 

Chương trình này chú trọng vào việc cung cấp kiến thức cơ bản cho bệnh nhân và người nhà. Hoạt động nhóm được coi là phương pháp chính. Chương trình điều trị kéo dài 4 tháng và tiếp tục 1 năm sau điều trị. Tham gia chương trình, bệnh nhân nhận được các thông tin và sự giúp đỡ trong việc thiết lập lại lối sống. 

Chương trình được chia thành 2 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn can thiệp tích cực hoặc chương trình can thiệp ngoại trú tích cực (Matrix IOP) kéo dài 4 tháng (16 tuần). Đây là thì đầu của điều trị và quan trọng nhất, nó mô phỏng tình huống khủng hoảng để giúp bệnh nhân đứng trước thực tế có từ bỏ được không. 
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn hỗ trợ hoặc chương trình sau điều trị kéo dài 8 tháng (tháng thứ 5-12). Hỗ trợ xã hội là phương pháp chính của giai đoạn này.

Mô hình này đã được chứng minh là một phương pháp có hiệu quả, nhiều người tham gia điều trị sau đó đã giảm sử dụng các chất ma túy như methamphetamine, cocaine… Các chỉ số tâm lý của người bệnh cũng như các hành vi nguy cơ cao liên quan lây nhiễm HIV được cải thiện đáng kể.

 

6. Liệu pháp gia đình

Sức mạnh của liệu pháp gia đình xuất phát ở chỗ nó đưa những người trong gia đình, cha mẹ và con cái lại với nhau để cùng thay đổi mối tương tác (quan hệ) giữa họ. Thay vì cô lập người nghiện tránh xa những nguồn cơn tình cảm dẫn tới các mâu thuẫn trong gia đình, liệu pháp gia đình đi vào giải quyết vấn đề từ gốc rễ.

Gia đình đóng vai trò trung tâm trong việc điều trị bất cứ vấn đề sức khỏe nào, kể cả nghiện ma túy. Can thiệp gia đình đã trở thành một chủ đề được quan tâm của nhiều phương pháp điều trị, nhưng thử thách chính vẫn là làm thế nào để mở rộng trọng tâm điều trị nghiện ma túy từ cá nhân sang gia đình 

Mặc dù các tư vấn viên điều trị nghiện chất không nên thực hành liệu pháp gia đình nếu họ không được đào tạo bài bản, họ vẫn có thể nắm bắt thông tin về liệu pháp gia đình nhằm thảo luận những nội dung đó với khách hàng và để biết khi nào thì nên chuyển gửi dịch vụ. Tư vấn viên điều trị nghiện chất cũng có thể học được cách lồng ghép các ý tưởng và kĩ thuật trong liệu pháp gia đình vào việc thực hiện tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm hoặc gia đình.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu tập huấn: Ma túy và xã hội (FHI, 2010)

2. Tài liệu Tập huấn: Tư vấn điều trị nghiện ma túy (FHI,2010)

3. Barry, K. (1999). Brief Intervention and brief therapies for substance abuse. Treatment Improvement Protocols (TIP) series. Rockvill, Maryland, USA: Department of Health and Human Services.

4. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2015) Tài liệu hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ người nghiện ma tuý tại cộng đồng. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động – Xã hội.

5. Bộ Y tế (2007). Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán người nghiện ma tuý các chất dạng thuốc phiện (Opiats).

6. Bộ Y tế (2014). Quyết định số 3556/QĐ-BYT ngày 10/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine.

7. Bộ Y tế (2019). Quyết định số 786/QĐ-BYT ngày 01/03/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine.

8. Nguyễn Thị Vân và cs. (2013). Bộ Giáo án quản lý, giáo dục tư vấn dành cho cán bộ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Quyển 3: Cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện). Hà Nội: NXB Văn hoá Thông tin.

9. Ranganathan, A., Jayaraman, R., & Thirumagal, V. (2002). Counseling for drug addiction: Individual, family & group.  Ranganathan Clinical Research Foundation, India.

10. SAMHSA. Enhancing motivation for change in substance abuse treatment

11. United Nations Office on Drugs and Crime - UNODC (2008). Advanced level training curriculum for drug counselor. Hà Nội: Ethnic Culture Publishing House.

12. United Nations Office on Drugs and Crime – UNODC, 2009. Tài liệu đào tạo nâng cao dành cho cán bộ làm công tác tư vấn ma túy. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.

13. UNODC. (2010). Liệu pháp nhận thức hành vi. Treatnet

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: