-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
CÁC HÌNH THÁI SỬ DỤNG CHẤT GÂY NGHIỆN
Đăng bởi CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI WECARE vào lúc 29/02/2024
CÁC HÌNH THÁI SỬ DỤNG CHẤT GÂY NGHIỆN
Không phải bất cứ ai sử dụng chất gây nghiện đều có thể bị nghiện. Đa số những người bắt đầu sử dụng chất gây nghiện để dùng thử, một phần trong số họ sẽ tiếp tục sử dụng chất gây nghiện ở mức độ nhiều hơn. Một nhóm nhỏ trong số những người này sẽ trở thành lạm dụng.
Đa số người sử dụng ma túy là những người chỉ dùng ma túy với mục đích dùng thử. Họ sử dụng ma túy không thường xuyên nếu có dịp hoặc nếu có sẵn ma túy. Nhiều người trong số họ sẽ tự dừng lại không tiếp tục sử dụng nữa và sẽ không chuyển sang hình thức dùng nhiều.
Một số người sử dụng ma túy để giúp học đạt được mục đích như để tỉnh táo hoặc để giảm đau, Họ được gọi là người sử dụng có chủ đích. Khi người sử dụng chuyển sang hình thức dùng nhiều và thường xuyên hơn th́ì việc sử dụng ma túy được coi là một phần quan trọng hơn trong cuộc sống của họ, khả năng dung nạp bắt đầu xuất hiện cùng với những hậu quả của việc sử dụng nhiều như đổ vỡ các mối quan hệ, khó khăn về tài chính và việc làm.
Tỉ lệ người sử dụng ma túy cuối cùng sẽ trở thành nghiện được quyết định bởi nhiều yếu tố khác nhau. Điều quan trọng là không phải bất cứ ai sử dụng ma túy đều bị nghiện.
Quá trình từ dùng thử rồi trở thành nghiện là một khoảng thời gian dài, có thể tính bằng nhiều tháng hoặc năm. Trong một nghiên cứu của Bennett (1986) nghiên cứu trên nhóm 135 người sử dụng thuốc phiện đã cho thấy rằng phải mất hơn một năm thì mới trở thành nghiện. Một nghiên cứu khác của Coomber và Sutton (2006) trên 64 đối tượng cũng cho thấy trung bình cần tới 403 ngày để chuyển sang sử dụng heroin hàng ngày. Nguy cơ trở thành nghiện rất khác nhau đối với các loại chất gây nghiện (CGN) khác nhau và ở từng cá nhân khác nhau. Tỉ lệ này còn phụ thuộc vào văn hóa của từng vùng, miền. Biểu đồ dưới đây của Anthony dựa trên số liệu của Mỹ. Tỉ lệ này sẽ khác nhau giữa các nền văn hóa và các môi trường khác nhau. Đường dùng và dạng CGN sử dụng cũng ảnh hưởng đến nguy cơ lệ thuộc. Những đường dùng có tác dụng nhanh như tiêm hoặc hít khói (hút) có nguy cơ dẫn đến lệ thuộc cao hơn những đường dùng có tác dụng chậm như uống. Dạng bào chế của CGN cũng có ảnh hưởng, dạng “đá” của cocain có khả năng có nguy cơ cao hơn dạng muối hydrochloride. Yếu tố môi trường, yếu tố liên quan đến CGN và yếu tố cá nhân, đều có ảnh hưởng đến nguy cơ này. Vì trải nghiệm sử dụng ma túy sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tương tác giữa các yếu tố CGN, cá nhân và môi trường nên nguy cơ nghiện cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tương tác giữa các yếu tố này.
Biểu đồ dưới đây cho chúng ta thấy tỷ lệ số người trở nên lệ thuộc sau khi dùng thử CGN. Thuốc lá có tỷ lệ cao nhất 1:3 (cứ 3 người đã từng hút thuốc lá thì sẽ có 1 người nghiện), trong khi đối với heroin thì tỷ lệ là 1:4 đến 1:5. Nói cách khác là chỉ khoảng 20 -25% số người đã từng sử dụng heroin sẽ nghiện heroin.
Như vậy, các biện pháp xác định như xét nghiệm nước tiểu để tìm chất gây nghiện và các sản phẩm chuyển hóa của chất gây nghiện chỉ chứng tỏ là một người có sử dụng chất gây nghiện, nhưng người đó có thể ở hình thái sử dụng khác nhau, điều này chưa đủ khẳng định họ đã nghiện. do đó, cần các đáp ứng và can thiệp khác nhau. Những người đã chuyển sang hình thái nghiện hay lệ thuộc thì cần được điều trị chứ không phải tất cả những người có test nước tiểu dương tính đều cần được điều trị nghiện cho loại chất gây nghiện đó.
Mô hình tương tác của sử dụng chất gây nghiện
Để có cái nhìn hệ thống về sử dụng chất gây nghiện, sự trải nghiệm sử dụng chất gây nghiện của người dùng, hình thái sử dụng, loại chất gây nghiện, độ dung nạp và sử dụng chất gây nghiện ở đâu…ta có thể biểu diễn mô hình tương tác sử dụng CGN sau
Mô hình tương tác này cho thấy sự tương tác giữa chất gây nghiện, môi trường, và con người có tính chất quyết định đối với kinh nghiệm sử dụng ma túy. Mô hình này kết hợp mô hình tương tác của Zinberg về tác hại của chất gây nghiện với những nguyên tắc của Thuyết học hỏi xã hội. Mô hình tương tác này cho thấy rằng sự tương tác giữa chất gây nghiện, môi trường và cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự trải nghiệm về sử dụng chất gây nghiện. Không thể chỉ xem xét từng yếu tố một cách riêng biệt, mỗi yếu tố đều có tầm quan trọng khác nhau đối với trải nghiệm của người sử dụng, trải nghiệm của người này vì thế cũng sẽ có sự khác biệt với người khác, hoặc khác biệt trong các bối cảnh sử dụng khác nhau, ví dụ như cảm xúc, độ tuổi, giới tính, áp lực đồng đẳng và hình thức sử dụng khác nhau sẽ dẫn tới những trải nghiệm khác nhau, cụ thể như tiêm, chích heroin tạo cảm giác phê nhanh tức thì so với việc hút heroin.
Một số yếu tố có thể lặp lại ở các yếu tố chính khác, ví dụ: tính sẵn có của ma túy có thể là thuộc yếu tố về môi trường, và cũng có thể thuộc yếu tố về ma túy trong ba đỉnh tam giác tương tác trải nghiệm sử dụng CGN. Vì vậy, mỗi yếu tố này đều phải được xem xét kỹ lưỡng bởi nó đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng ma túy.
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Thị Xuân Mai (2013). Chất gây nghiện và xã hội, Trường Đại học Lao độngxã hội.
- Bùi Thị Xuân Mai- Nguyễn Tố Như (2013), Giáo trình Tham vấn điều trị nghiện ma túy, NXB Lao động – Xã hội.
- UNICEF, Cục Bảo trợ xã hội Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (2016). Tài liệu hướng dẫn thực hành Công tác xã hội với người nghiện ma túy.
- Viện Nghiên cứu quốc gia Hoa kỳ về Lạm dụng ma túy. (2007). Ma túy, não bộ và hành vi: Khoa học về nghiện. Link truy cập<https://scdi.org.vn/media/filer_public/55/6b/556b754d-ea2b-446d-8283- 619481de1774/ma_tuy_-_nao_bo_-_hanh_vi_-_khoa_hoc_ve_nghien.pdf >. Ngày truy cập 2/2/2023.